Để làm tôm lụi cho đẹp về hình thức, việc chọn dây để xỏ lụi là quan trọng. Ngày nay, do thị hiếu của nhiều người khác nhau, do nguyên liệu tôm có kích cỡ khác nhau, có nơi chọn cọng lá dừa, chọn cây trúc vót nhỏ làm cây lụi tôm phơi khô. Còn ở miệt Cà Mau, nhiều nơi giữ cách làm truyền thống vẫn làm dây lụi tôm từ cờ bắp của lá dừa nước quê nhà.

Trước khi lột vỏ tôm, ta nên chọn con tôm kích thước đều nhau cho vào thau ngâm nước 15 phút để vỏ tôm mềm, dễ lột tách vỏ không dính thịt và sau đó lột vỏ tôm nên lột sạch phần đầu, phần vỏ, đuôi tôm để lại cho đẹp khi tôm đã khô.
Sau đó, cuộn tròn con tôm lại để phần đuôi tôm còn dính chót vỏ lên phía trên, rồi dùng cọng lạt được vót nhọn, xỏ xiên qua giữa thân con tôm treo ngược, cách đều nhau độ 2 đến 3 phân tùy theo kích cỡ con tôm, mỗi lụi xỏ khoảng 5 đến 6 con tôm là vừa đẹp.
Hai lụi tôm cột thành 1 xâu. Trước khi phơi trên giàn, người dân có kinh nghiệm thì nhúng xâu tôm qua nước tro lóng trong rồi đem đi phơi ngay. Việc nhúng qua nước tro sẽ làm cho thịt tôm trong lại khi đã qua phơi nắng và làm cho tôm ngọt thịt hơn so với tôm lụi không qua muối.
Khi làm tôm lụi ta phải chọn ngày có nắng tốt để tôm phơi mau khô và bảo quản được lâu ngày, tôm không sẫm màu, meo mốc. Sau 30 phút là ta trở bề mặt tôm một lần, để cho tôm khô đều, ngả màu đỏ gạch là tôm phơi đặng nắng, mùi tôm rất thơm khi chưa nướng.
Sau khi phơi nắng để bảo quản tôm lụi được lâu, giữ chất lượng, việc tiếp theo là đóng gói bao bì trong bọc hút chân không là cần thiết, để giữ cho màu sắc con tôm tự nhiên, vừa giữ thịt tôm ngọt khi nướng ăn.
Bữa ăn mang phong cách đặc chất Nam Bộ là ngồi xếp bằng trên chiếc bông, trải rộng bên đầu hè nhà, có chút gió thoang thoảng mang hương thơm của những bông hoa trong vườn như : nhãn, xoài, khế, lan hòa quyện vào nhau cùng với mùi thơm của con cua, nướng tôm lụi vừa chín tới, được đưa vào miệng, lưỡi cảm giác cái vị ngọt thanh tao nguyên chất của hương vị đồng quê, gió biển làm cho bữa ăn thêm phần thú vị bằng món tôm lụi nướng ở miệt Cà Mau.